By Giáo sư Vĩnh Sính
Tảng sáng ngày 31-3-1905, từng chiếc khu trục hạm Nga từ từ ló dạng ở cửa biển vịnh Cam Ranh còn quyện sương mù. Những chiếc tàu này vượt cửa Bé vào vịnh trước để tìm nơi thả neo an toàn cho đoàn tàu 45 chiếc của hạm đội Baltic (Novikoff-Priboy, trang 95), tức hạm đội Thái Bình Dương II, dưới quyền chỉ huy của Đề đốc Rozhestvensky. Chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ sau, hạm đội Baltic thả neo, "đậu thành năm hàng song song với những chiến hạm bọc sắt lớn án ngữ cửa vịnh" (Hough, trang 137). Sau 28 ngày vượt trùng dương từ đảo Madagascar thuộc Pháp, Cam Ranh là bến cảng nghỉ chân đầu tiên sau một hải trình dài 4.500 hải lý của hạm đội này. Cam Ranh cũng là trạm tiếp tế nhiên liệu và lương thực cuối cùng trước khi đoàn tàu khổng lồ này lên đường đi Vladivostock nhằm trợ chiến cho hạm đội Thái Bình Dương I đang chiến đấu với hải quân Nhật trên vùng biển Bắc Á đã hơn một năm. Cam Ranh còn là điểm hẹn với hạm đội Thái Bình Dương III của Đề đốc Nebogatoff hãy còn theo sau đó.
Cam Ranh một thời từng là bến cảng khá nhộn nhịp của hải quân Pháp. Vào thời điểm năm 1905, quân cảng này đã "đượm vẻ hoang vắng điêu tàn". Nhưng dù sao Cam Ranh vẫn nổi danh là một "hải cảng thiên nhiên toàn bích, an toàn, rộng rãi, mặt nước phẳng lặng như tờ". Chiến hạm Nga tuy đã lỗi thời, nhưng những giàn cự pháo 12 ly và 10 ly trang bị trên tàu là lý do khiến nhiều người cho rằng hải quân Nga "chỉ có thể thua trận trong trường hợp khả năng pháo kích của họ quá tồi". Bởi vậy, sau khi hạm đội Baltic hạ neo ở Cam Ranh, báo chí ở Singapore, Manila, Malacca, Sài Gòn, Hồng Kông và những thành phố nhiều người Hoa sinh sống ở ven biển Thái Bình Dương không ngớt bàn tán về một trận hải chiến vô tiền khoáng hậu sắp diễn ra.
Ngày 2-4-1905, đề đốc Pháp de Jonquières, Phó tư lệnh hải quân Pháp ở Thái Bình Dương, dẫn tuần dương hạm Descartes ghé thăm xã giao hạm đội Nga. Nhưng khi de Jonquières trở lại ngày 22-4, tuy vẫn giữ thái độ hòa nhã, đề đốc Pháp yêu cầu hạm đội Nga phải nhổ neo trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Trước yêu sách đột ngột của chính quyền Đông Dương, đúng 1 giờ trưa hôm sau, Rozhestvensky ra lệnh nhổ neo và cho hạm đội Baltic "dàn thành đội ngũ ngoài cửa vịnh Cam Ranh". Quang cảnh hoành tráng của hạm đội Nga lúc bấy giờ được mô tả trên báo The Times (Anh) như sau : "Các chiến hạm Nga dàn thành một hình cánh cung dài như vô tận, trải dài từ mũi Valera sang tận mũi bên này của bán đảo Cam Ranh". Sau khi de Jonquières trịnh trọng tiễn chân soái hạm của Rozhestvensky ra đến cửa vịnh, nhằm tránh trách nhiệm cho Pháp là đã cho phép hạm đội Nga vào tiếp nhiên liệu và lương thực trong một thời gian khá lâu, ông đánh điện về sở chỉ huy với lời lẽ khôn khéo, tựa hồ như chẳng hay biết gì cả về tình hình chiến sự Nhật-Nga: "Hạm đội Nga đã rời bờ biển An Nam và đang tiến về hướng Đông. Không rõ sẽ đi đâu"! Sự thật thì sau khi tuần dương hạm của de Jonquières vừa đi khuất, Rozhestvensky lại đưa hạm đội của mình vào ẩn náu, lần này ở vịnh Vân Phong, cách cửa Bé không xa. Trên thực tế Rozhestvensky chỉ ra khỏi bờ biển Việt Nam vào ngày 14-5-1905, sau khi hạm đội Thái Bình Dương III của Đề đốc Nebogatoff bắt kịp và đã lấy thêm than đá.
Những thương nhân Pháp cung cấp lương thực đủ loại cho hạm đội, từ trái cây, rau tươi, cho đến bột mì, đồ hộp hay thịt gà, thịt bò. Những hàng này bán "với giá cao kinh khủng, chưa nói những mặt hàng xa xỉ có lời lớn như rượu vang hay rượu mạnh". Bởi vậy, có thể hiểu tại sao chính phủ Đông Pháp đã chần chừ, không muốn nhanh chóng chấp hành lệnh trục xuất hạm đội Nga (Hough, trang 135).
Thương nhân người Việt cũng thường mang thực phẩm ra bán bằng ghe (Novikoff-Priboy, trang 97). Đặc biệt vào đêm 16- 4-1905, biết thủy thủ Nga sẽ ăn mừng lễ Phục sinh, ghe thuyền của các thương nhân người Việt chở gà vịt, rượu đế ra bán cho tới khuya. Thủy thủ Nga nhận xét là các mặt hàng do người "An Nam" chở ra bán giá phải chăng, đặc biệt họ tấm tắc tán thưởng món rượu đế, khen là "mỹ tửu" giống rượu Vodka của người Nga.
***
Có ai ngờ trong những ghe ra bán thực phẩm trên tàu Nga lúc ấy lại có chiếc ghe chở ba người giả dạng thương nhân để quan sát tận mắt văn minh cơ khí của phương Tây qua lăng kính là chiến hạm Nga! Đó là ba chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp trong chuyến Nam Du năm 1905.
Trong tự truyện của mình, Huỳnh Thúc Kháng ghi lại việc lên xem tàu Nga như sau : "Lúc đi ngang qua Nha Trang, được tin chiến hạm Nga đậu tại Cam Ranh, bèn giả khách buôn, thuê thuyền đánh cá, mua trứng gà cùng trái cây các thứ, lên thuyền Nga xem rất khoái. Đấy chẳng qua vì tính thiếu niên hiếu kỳ, chứ không có ý gì". Trong ba chí sĩ nói trên, chỉ có Huỳnh Thúc Kháng để lại cứ liệu về cuộc "thám sát" độc đáo này. Cũng dễ hiểu thôi, vì Trần Quý Cáp thì mất sớm, ba năm sau (1908), khi phong trào Dân biến ở miền Trung bột phát, cụ bị sát hại ở Khánh Hòa. Còn Phan Châu Trinh thì ít khi đề cập đến việc riêng tư trong các trước tác văn xuôi (hầu hết là chính luận), hay nếu có nhắc tới chuyện riêng chăng nữa thì cũng chỉ để làm sáng tỏ những công việc chung có liên quan tới đồng bào, đất nước.
Cách đây khá lâu, khi đọc những dòng trên đây của Huỳnh Thúc Kháng, người viết không khỏi lấy làm lạ. Đã đành Huỳnh Thúc Kháng là người có trí nhớ tuyệt vời, hầu như chẳng bao giờ lẫn lộn, bởi vậy chúng tôi tin việc các cụ tự mình "tạo điều kiện" để lên quan sát chiến hạm Nga 100 năm trước đây. Tuy nhiên, vì sao một việc kỳ thú và có ý nghĩa như vậy mà từ trước tới nay ít thấy ai nhắc đến! Thắc mắc ấy cứ lởn vởn trong đầu. Chuyện mạo hiểm của các cụ khiến chúng tôi nhớ lại một mẩu chuyện tương tự xảy ra ở Nhật vào giữa thập niên 1850. Khi chiến thuyền của Đề đốc Perry (Mỹ) đến Nhật, Yoshida Shôin nhận thấy cần phải tìm hiểu về phương Tây nên đã táo bạo chèo thuyền nhỏ ra biển rồi tìm cách đột nhập lên tàu của Perry để tìm đường du học. Kế hoạch không thành, Shôin bị bắt và bị giao trả lại cho phía Nhật, rồi bị giam lỏng một thời gian. Qua những hành động quả cảm trong cuộc đời vỏn vẹn 29 năm, sau khi mất, Shôin được người Nhật xem là "người đi tiên phong của phong trào dẫn đến Minh Trị Duy tân". Một chi tiết ít được biết tới, nhưng cụ Ngô Đức Kế có thuật lại rằng khi quan tỉnh lên án đày Huỳnh Thúc Kháng ra Côn Đảo (1908) "có dẫn việc đi xem thuyền Nga mà bắt tội".
Nhớ lại chuyện cũ, gần đây chúng tôi tìm đọc các sách nói về hạm đội Baltic thử xem có cuốn nào ghi lại thời gian hạm đội cập bến ở Cam Ranh hay chăng. Chúng tôi tìm được hai cuốn sách tiếng Anh, một cuốn đặc biệt nghiên cứu về hạm đội Baltic và một cuốn là hồi ký của một sĩ quan Nga trên hạm đội Baltic còn sống sót sau trận hải chiến với hải quân Nhật ở eo biển Đối Mã. Cả hai cuốn thuật lại khá chi tiết những sự việc xảy ra khi hạm đội vào đậu ở Cam Ranh. Hai cuốn sách đó là : Richard Hough, The Fleet That Had to Die (Hạm đội phải bị tiêu diệt-New York : The Viking Press, 1958) và A. Novikoff-Priboy, Tsushima (Eo biển Đối Mã) do Eden và Cedar Paul dịch từ tiếng Nga sang tiếng Anh (New York : Alfred A. Knopt, 1937). Những thông tin về hạm đội Baltic trong thời gian cập bến ở Cam Ranh trong phần đầu của bài viết này phần lớn dựa theo hai nguồn tài liệu đó. Căn cứ vào những thông tin này, chúng tôi mới biết chắc là có khá nhiều ghe thuyền của thương nhân người Việt ra bán thực phẩm cho thủy thủ và việc lên tàu cũng khá dễ dàng - một phần có lẽ do nhu cầu cấp thiết của thủy thủ người Nga về lương thực, đặc biệt là các thức ăn tươi. Do đó, có thể suy luận việc giả dạng làm thương nhân của ba nhà chí sĩ chắc hẳn cũng không mấy khó khăn, điều cốt yếu là cần phải có óc quả cảm, táo bạo và liều lĩnh thì mới dám nghĩ tới kế hoạch đó.
Vậy trong bộ ba Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp, ai là người khởi xướng việc này? Chắc hẳn người đó không phải là Huỳnh Thúc Kháng, vì như nhà nghiên cứu Huỳnh Lý đã nhận xét, Huỳnh Thúc Kháng "nhanh nhạy chốn trường ốc nhưng chất phác ở ngoài đời". Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp tính tình đã hăng say mà còn có tầm nhìn sâu rộng, đặc biệt Phan Châu Trinh là người "từng trải và nhạy bén" và chắc hẳn là nhân vật có đầu óc táo bạo nhất trong ba người. Chỉ cần xem một vài hành động của cụ Phan thì rõ. Ví dụ, chẳng bao lâu sau chuyến Nam Du, khi nghe tin Phan Bội Châu đã sang Nhật - và chính Nhật là nước đã thắng Nga, tiêu diệt hạm đội Baltic mà Phan Châu Trinh đã quan sát tận mắt - Phan Châu Trinh đã tìm cách lặn lội sang Quảng Đông để gặp Phan Bội Châu, rồi từ đó cùng sang Nhật trong khoảng hai tháng (vào năm 1906) để nhìn tận mắt đất nước mới canh tân sau Minh Trị Duy tân. Rồi cũng chính Phan Châu Trinh, sau khi được phóng thích từ lao tù Côn Đảo, đã tìm đường sang nước Pháp để tìm con đường giải cứu cho đồng bào. Tư tưởng táo bạo "Không vào tận hang hùm sao bắt được cọp" được thể hiện suốt cuộc đời xả thân vì đồng bào, vì nước quên mình của cụ Phan. Bởi thế, chúng ta sẽ không ngạc nhiên nếu trên thực tế, chính Phan Châu Trinh là người đầu tiên ngỏ ý về cuộc "thám sát" văn minh phương Tây táo bạo ngay ở vịnh Cam Ranh 100 năm trước đây.
Nhìn lại lịch sử nước nhà đầu thế kỷ 20, chúng tôi không khỏi có cảm tưởng là bánh xe lịch sử dường như chuyển mạnh từ năm 1905.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét