Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

Global Witness cáo buộc Hoàng Anh Gia Lai phá rừng

Hoàng Anh Gia Lai đấu tay đôi Global Witness

Ông chủ của Hoàng Anh Gia Lai thừa nhận cáo buộc của Global Witness "rất hiểm và có thể làm cho công ty sụp đổ”. Vì thế, mọi diễn biến sắp tới liên quan đến cáo buộc này giữa HAGL và GW đều có tính chất đối kháng. Có cửa ra nào cho một công ty Việt Nam và một tổ chức quốc tế được hậu thuẫn của tỷ phú George Soros?
Dù được báo chí trong nước chia sẻ nhưng Tập đoàn HAGL có "thoát hiểm" khỏi cơn bão mang tên Global Witness không lại là chuyện khác.

Gió chưa lặng
Đầu tuần trước, tổ chức phi chính phủ Global Witness (GW) bất ngờ công bố một báo cáo mang tên "Các ông trùm cao su: Cách thức các công ty Việt Nam và các nhà tài phiệt quốc tế đang tiến hành cuộc khủng hoảng chiếm đất tại Campuchia và Lào".
Trong báo cáo này, GW đã nhắc đến Tập đoàn HAGL và cáo buộc HAGL hối lộ, chiếm đất, phá rừng, khai thác gỗ trái phép, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và đời sống ở Lào, Campuchia.
Ngoài ra, GW cũng lên án Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Deutsche Bank vì đã gián tiếp lẫn trực tiếp tài trợ vốn cho HAGL, vi phạm các cam kết về xã hội, môi trường.
Theo giới bình luận, các tội trạng mà GW gán cho HAGL là rất nặng nề, nên dù ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL, đã lập tức lên tiếng phản bác thì giá cổ phiếu HAG vẫn lao dốc.
Hôm 14/5, một ngày sau khi báo cáo của GW loan đi, thị trường chứng kiến một cuộc tháo chạy thực sự khỏi cổ phiếu HAGL với lệnh đặt bán hơn 5,7 triệu đơn vị, cao nhất từ trước đến nay.
Nhà đầu tư trong nước hoảng loạn còn khối ngoại bán ròng hơn 22 tỷ đồng. Giá cổ phiếu cũng giảm mạnh 6,1%, về mức 21.400 đồng chỉ trong một ngày.
Đành rằng khối ngoại đã quay trở lại mua ròng và giá cổ phiếu đã về mức như cũ ở những ngày tiếp theo nhưng theo giới quan sát, điều này không có nghĩa "sóng đã lặng, gió đã dừng" với HAGL.
Trên thực tế, chỉ ba ngày (14-16/5) sau khi báo cáo của GW phát đi, truyền thông trong nước lẫn quốc tế đều vào cuộc. Các hãng thông tấn lớn trên thế giới như AFP, CNN, BBC, Reuters, Time, Del Spiegel... đều có bài viết đề cập.
Còn thông tin phỏng vấn ông Đoàn Nguyên Đức về chủ đề này thì tràn ngập trên các mặt báo trong nước. Điều này cho thấy, báo cáo của GW có sức lan tỏa rất lớn và HAGL rõ ràng có những lo ngại nhất định về độ ảnh hưởng từ báo cáo của GW.
Theo giám đốc một công ty chứng khoán ở TPHCM, vì báo cáo đưa ra từ một tổ chức phi chính phủ, lại đụng đến những vấn đề nhạy cảm, liên quan đến hủy hoại môi trường, an sinh xã hội, tham nhũng... nên nếu HAGL không nhanh chóng dập tắt những thông tin tiêu cực nói trên, thiệt hại sẽ không chỉ dừng ở giá cổ phiếu.
Thiệt hại đáng lo cho HAGL là các kế hoạch huy động vốn sau này có thể sẽ gặp rất nhiều trở ngại. Vì ngoài yếu tố sinh lợi, các tổ chức đầu tư sẽ phải đắn đo xem khoản đầu tư vài chục triệu USD liệu có khiến cả danh mục hàng tỷ USD bị mang tiếng.
Trong khi đó, theo các tài liệu công bố, HAGL còn rất nhiều dự án lớn như mở rộng diện tích cao su, cọ dầu, mía đường, xây nhà máy chế biến... cần gọi vốn đầu tư.
Nguy hiểm hơn, nếu HAGL không khôn khéo trong xử lý thông tin cáo buộc, các phân tích chỉ ra, có thể rơi vào tình huống tương tự Sina Mars (Indonesia).
Trước thời điểm bị Tổ chức Hòa Bình Xanh cáo buộc "trồng cọ không bền vững" năm 2010, Sina Mars là nhà cung cấp dầu cọ cho Nestlé trong sản xuất sản phẩm Kit Kat.
Tuy nhiên, với video giễu cợt bánh Kit Kat làm từ dầu cọ trồng trên đất phá rừng, cộng đồng mạng đã tẩy chay mạnh mẽ sản phẩm Kit Kat. Nestlé buộc phải dừng mua dầu cọ từ Sina Mars để cứu nguy cho sản phẩm.
Rõ ràng, nếu HAGL không thể xóa tan các mối ngờ vực liên quan đến những cáo buộc từ GW, các khách hàng tiềm năng của HAGL như Michelin, Bridgestone sẽ nhớ bài học Nestlé để e dè trong quyết định mua cao su từ HAGL.
Nếu thế, đầu ra cao su của HAGL sẽ gặp khó và "nồi cơm"của HAGL có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì cao su dự kiến sẽ đóng góp chủ yếu vào cơ cấu lợi nhuận năm 2013 và các năm tiếp theo của tập đoàn này.
Global Witness là ai?
Global Witness là một tổ chức phi chính phủ, có trụ sở ở Anh và Mỹ, được thành lập năm 1993, được tài trợ bởi tỷ phú George Soros (năm 2012, góp 40% ngân sách), các cơ quan chính phủ của Anh, Thụy Điển, Nauy, Hà Lan, Ailen (góp 38%) các nhà tài trợ khác (22%)...
Điều tra của Global Witness kết luận rằng HAGL và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã được phân bổ tổng cộng hơn 280.000ha đất để lập đồn điền cao su ở Lào và Campuchia. GW nói những người sống trên các khu đất được giao lại cho các công ty Việt Nam đã bị đuổi ra khỏi nhà mà không được bồi thường thỏa đáng hoặc không được bồi thường chút nào.
Cần nhiều bằng chứng hơn
HAGL đã có những động thái kịp thời khi lên tiếng và thanh minh với báo chí trong nước về khả năng vô tội của mình.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, HAGL cần phải trưng ra các bằng chứng nhiều hơn.
Lấy ví dụ, diện tích đất thực sự mà HAGL được cấp phép đầu tư ở Campuchia là bao nhiêu (cả hiện tại và trong kế hoạch).
Tại sao GW có thể hiểu lầm HAGL có hơn 47.000ha đất trồng cao su trong khi Tập đoàn chỉ nắm 29.000ha?
HAGL đã nhắc tới một số công ty ăn theo tên Hoàng Anh Gia Lai, vậy đó những công ty nào và tại sao HAGL không tố cáo họ mạo danh?...
Ngoài ra, do báo cáo của GW hướng đến đối tượng là nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài, được truyền thông quốc tế chú ý, nên theo giới phân tích, HAGL phải tập trung thanh minh với các đối tượng này.
Việc HAGL chỉ tìm cách thông tin trong nước được đánh giá là ít ý nghĩa và không hiệu quả.
Thực tế, HAGL không cần phải làm mọi cách để GW thay đổi hay đính chính những cáo buộc. Bởi như các chuyên gia đánh giá, khả năng này ít xảy ra.
Việc cần làm của HAGL là phải chủ động liên hệ để biết các tổ chức đầu tư, các đối tác, khách hàng, các hãng thông tấn quốc tế nghĩ gì và đánh giá gì về HAGL sau khi đọc các cáo buộc trên.
Từ cơ sở này, HAGL đưa ra những thông tin, bằng chứng có lợi cho mình. Đặc biệt, nếu các cổ đông ngoại của HAGL như Dragon Capital, Jaccar, Teskmase Holdings hay các đối tác, khách hàng quốc tế, truyền thông thế giới... lên tiếng bênh vực, cơ hội cho HAGL "lật ngược thế cờ" mới cao.
Theo một quan sát viên, thách thức cho HAGL là không dễ thuyết phục những đối tượng này. Vì thế, song song các kế hoạch tổ chức họp báo, mời gặp gỡ, tham quan dự án..., HAGL cần tăng cường củng cố các bằng chứng của mình. Nếu có đủ chứng cớ chứng minh cáo buộc của GW là sai, một số ý kiến cho rằng, HAGL nên kiện GW ra tòa.
Chỉ riêng việc HAGL dám khởi kiện cũng đã gởi đi thông điệp "vàng không sợ lửa". Nếu thắng kiện, uy tín của HAGL sẽ tăng cao và HAGL sẽ có thêm khoản tiền đáng kể từ bồi thường thiệt hại do báo cáo của GW gây nên.
Trong bối cảnh bất động sản đang đóng băng và thị trường chứng khoán lao dốc, cáo buộc của GW càng làm cho tình hình của HAGL khó khăn thêm.
Bầu Đức nói gì?
Theo đánh giá chung, GW là một tổ chức phi chính phủ có thế lực và ảnh hưởng đến giới truyền thông, nên càng phản bác mạnh mẽ, HAGL càng dễ thành tiêu điểm của truyền thông thế giới.
Có thể những vụ lùm xùm này sẽ khiến hai đối tác lớn của HAGL là Michelin hay Bridgestone phải cân nhắc kỹ trước khi mua cao su từ HAGL. Vì vậy, quản lý của một quỹ đầu tư nước ngoài chia sẻ:
"Nếu GW một mực khẳng định việc HAGL phá rừng và tuyên bố điều đó khắp mọi nơi thì đó là quyền của họ. Và lẽ ra nếu như người ta thấy những yếu tố sai lệch trong đó và không nói đến nữa thì mọi việc sẽ lắng xuống. Vấn đề là có nhiều người quan tâm quá và anh Đức lại nói không khéo lắm về vấn đề này".
Nhưng ở góc nhìn khác, một số doanh nghiệp lại đồng cảm và đồng tình với HAGL, coi đây cũng là những khó khăn, rủi ro mà doanh nghiệp Việt Nam khó tránh khi làm ăn ở nước ngoài.
Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Lào, một số dự án đầu tư hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Song, các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp Việt Nam còn đơn lẻ và việc giải quyết của phía Lào cũng chỉ là xử lý cho từng doanh nghiệp, chưa tạo ra hành lang chung, nên nhiều dự án đã được cấp phép chưa được thực hiện theo đúng tiến độ cam kết.
Bên cạnh đó, ở lĩnh vực tài chính cũng đã có những trường hợp đưa ra đánh giá nhưng không khớp nhau giữa các tổ chức.
Ông Nguyễn Sơn, Phó trưởng Ban Phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đã từng chia sẻ về vấn đề này:
"Theo tôi, mỗi tổ chức đều có quyền đưa ra các bản đánh giá, nhận định về TTCK. Tuy nhiên, cách tiếp cận các dữ liệu phân tích giữa các tổ chức đầu tư trong nước và các tổ chức đầu tư nước ngoài sẽ khác nhau. Mặt khác, quy trình phân tích, đánh giá cũng như các tham số xác lập mô hình ở mỗi tổ chức đều có sự khác nhau".
* Cho Chính phủ Lào vay 19 triệu USD để xây Làng SEAGames có phải là động thái để HAGL được Lào ưu đãi đầu tư?
- Khi Chính phủ Lào qua gặp Chính phủ Việt Nam đề nghị huấn luyện giúp đôi bóng, họ cũng gặp tôi và đưa ra đề nghị tương tự. Lúc đó, tôi đang có ý định đầu tư vào Lào và cũng thích người Lào hiền hòa nên đồng ý. Sau đó, đích thân Phó Thủ tướng Lào vận động tôi xây nhà ở cho vận động viên. Đương nhiên khi thành công thì uy tín và mối quan hệ của HAGL với Chính phủ Lào cũng có và tốt đẹp hơn. Nghĩ vậy, tôi cho vay 19 triệu USD nhưng số tiền cho vay này phải được Chính phủ Việt Nam chấp thuận.
(Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL)
Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Trẻ Đồng Nai, cho rằng:
"Các doanh nghiệp trong lĩnh vực liên quan đến môi trường thường gặp rủi ro rất lớn, vì có làm tốt cũng không thể hoàn hảo 100% và không có sai sót. Tuy nhiên, khi bị oan sai thì việc đấu tranh bảo vệ mình là hành động tự cứu mình.
Nếu những cáo buộc của GW được HAGL khẳng định là không có căn cứ thì HAGL càng phải dũng cảm phản bác. Đây cũng là bài học cho doanh nghiệp Việt Nam".
Sau khi cáo buộc của GW phát đi, cổ phiếu của HAGL hai ngày liên tiếp giảm giá khiến nhiều cổ đông hoang mang. Tuy nhiên, trả lời chúng tôi, ông Đức khẳng định:
"GW đã từng bị Chính phủ Campuchia cấm nhập cảnh vì công bố những số liệu thiếu chính xác, làm ảnh hưởng tới môi trường đầu tư tại nước này.Chính phủ Lào và Campuchia kêu gọi doanh nghiệp của cả thế giới đầu tư chứ không chỉ riêng HAGL. Họ trải thảm mời đầu tư với ưu đãi miễn thuế 6-7 năm thì làm sao cáo buộc mình đút lót để lấy dự án?"
Cũng theo ông Đức, quy định đầu tư ở Lào và Campuchia cũng rất chặt chẽ, có xác nhận của Thủ tướng và thẩm định của phía Việt Nam. Tất cả gỗ nằm trên đất quy hoạch đầu tư của HAGL do Chính phủ Lào quản lý, ủy quyền cho một đơn vị khai thác, sau đó đấu giá công khai.
Tuy có quyền tham gia nhưng HAGL không tham gia đấu thầu khai thác số gỗ trên diện tích đất khai hoang mà Tập đoàn đã làm thủ tục thuê để trồng cao su.
Ngay cả khoản tài trợ 19 triệu USD để Lào tổ chức Sea Games 25 năm 2009, phía Lào đề nghị trả số tiền này cho HAGL bằng gỗ nhưng HAGL không chấp nhận mà chỉ nhận tiền mặt. Từ trước tới nay, HAGL không hề mua bất kỳ một khối gỗ nào của Lào.
"Thông tin trên muốn kiểm tra không khó. Chỉ cần đến Bộ Lâm nghiệp các quốc gia này kiểm tra, xem họ đã ký cho doanh nghiệp nào khai thác, rồi số gỗ này đã bán cho ai... Cũng theo quy định của Chính phủ Lào, doanh nghiệp đầu tư vào đây phải sử dụng 90% lao động địa phương. Vậy nên, cáo buộc của GW nói chúng tôi cướp đất, dân không có việc làm thì cao su của chúng tôi ai làm?", ông Đức cho biết.
Bài học đánh giá về môi trường
Trong cáo buộc của mình, GW đã công bố những tác hại về môi trường cũng như đời sống cùng cực của người dân hai nước mà họ đã điều tra.
Tổ chức này nhấn mạnh họ giữ nguyên các luận điểm và chứng cứ đã nêu trong báo cáo. Global Witness có các tài liệu về việc vi phạm phạm pháp luật tại các vườn cao su của HAGL tại Lào và Campuchia trong năm 2012.
Bằng chứng đã được nêu trong báo cáo “Các ông trùm cao su” cho thấy HAGL đã mua một lượng lớn đất đai, gấp 5 lần so với hạn mức tối đa được phép tại Campuchia và việc công ty đã công khai bỏ qua các biện pháp bảo vệ môi trường tự nhiên cũng như xã hội, tàn phá kế sinh nhai của người dân địa phương và các khu rừng trong quá trình trồng cao su.
"Thay vì giải quyết các bằng chứng trong báo cáo và cải thiện tình hình cho hàng trăm người bị ảnh hưởng, Hoàng Anh Gia Lai tỏ ra quan tâm hơn với việc bảo vệ hình ảnh của mình. Liệu công ty sẽ phải làm gì để ngăn chặn sự hủy hoại mà họ phải chịu trách nhiệm” – bà Megan MacInnes, Trưởng nhóm Tài nguyên đất của Global Witness cho biết.
Về phần mình, lãnh đạo HAGL cho biết, hiện công ty đang có 14 công ty con có trụ sở tại Lào và Campuchia, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cao su, mía đường và trồng rừng. Khi đầu tư vào Lào, HAGL đã tài trợ 30 triệu USD cho tỉnh Attapeu và đến nay bộ mặt của tỉnh cực nghèo này đã khởi sắc.
Tính đến nay, HAGL đã xây dựng 2.000 ngôi nhà cấp cho dân, xây ba cây cầu lớn, trường học, bệnh viện, kéo hàng trăm km đường điện, giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động, GDP bình quân của tỉnh Attapeu đã tăng gấp ba lần khi HAGL đầu tư vào đây, từ 300USD lên 1.000 - 1.100USD/năm.
Hiện thu nhập trung bình của công nhân làm cho HAGL vào khoảng 250 - 300USD/tháng. Ông Đức cũng khẳng định: "Do mía đường và cao su là hai lĩnh vực nhạy cảm về môi trường tự nhiên, xã hội nên ngay từ đầu chúng tôi đã ý thức chuyện này, nhưng dù làm tốt đến mấy cũng có khiếm khuyết, có thể chưa đạt tiêu chuẩn thế giới.
Vì vậy, sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện và đáp ứng các tiêu chuẩn của thế giới, chứ không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn của nước sở tại như hiện nay. Hiện HAGL đã mời các tập đoàn, các tổ chức tư vấn lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này để đánh giá lại toàn diện hệ thống môi trường cho Tập đoàn và sẽ thực hiện Chứng chỉ rừng bền vững (FSC)".


(Theo DNSG)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét